Hình ảnh Thiên Hộ Miêu Trại gợi lên khung cảnh tựa như bước ra từ Vùng đất linh hồn (Spirited Away) – bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Ghibli. Nếu thị trấn lồng đèn trong phim là cánh cổng bước vào thế giới linh hồn, thì Thiên Hộ Miêu Trại cũng như một không gian tách biệt khỏi nhịp sống hiện đại. Nơi những mái nhà gỗ xếp tầng tầng lớp lớp, những cây cầu phong vũ uốn lượn qua suối, hay những người thợ thủ công miệt mài với nghề thêu, nhuộm vải và đúc bạc… tất cả tạo nên một không khí vừa hoài niệm, vừa huyền ảo, giống như những khung cảnh thần bí trong thế giới của Chihiro.
Một tuyệt tác giữa núi rừng Quý Châu
Nằm dưới chân núi Lôi Công, thuộc huyện Lôi Sơn, châu tự trị dân tộc Miêu – Đồng, tỉnh Quý Châu, Tây Giang Thiên Hộ Miêu Trại là ngôi làng của người Miêu lớn nhất Trung Quốc, với hơn 1.000 nóc nhà sàn cổ san sát bên nhau, tạo thành một bức tranh kỳ vĩ giữa núi rừng.
Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà gỗ truyền thống xếp tầng theo sườn núi, hòa quyện với thiên nhiên xanh mát. Chính giữa bản là dòng sông Bạch Thủy trong vắt, mềm mại như một dải lụa bạc, uốn lượn qua từng nếp nhà, mang đến vẻ đẹp yên bình nhưng không kém phần quyến rũ.
Ý nghĩa tên Thiên Hộ Miêu Trại (千户苗寨)
Người Trung Quốc có câu: “Mơ về Thiên Hộ, gặp thôn Miêu” (寻梦千户,遇见苗乡)。Thiên Hộ có nghĩa là một ngàn nóc nhà. Trong văn hóa người Miêu, nhà sàn không chỉ là phong cách kiến trúc truyền thống gắn liền bao đời, mà còn là biểu tượng, bản sắc của dân tộc Miêu. Nên đây chính là đặc điểm chỉ có ở Thiên Hộ Miêu Trại – nơi quy tụ 99,5% cư dân là đồng bào người Miêu, và nền văn hóa Miêu đích thực nhất đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trải nghiệm văn hóa Miêu đặc sắc
Theo lời truyền miệng của người dân địa phương, người Miêu ở Tây Giang là hậu duệ của Xi Vưu. Sau nhiều lần đại di cư, họ mới đến được Tây Giang Miêu Trại. Trải qua hàng chục thế hệ khai hoang, lập làng, canh tác ruộng nương và định cư lâu dài ngôi làng mới có quy mô như ngày nay.
Do ảnh hưởng của lịch sử, địa lý và tập quán, đến nay Tây Giang Miêu Trại vẫn bảo tồn khá tốt nền văn hóa nông nghiệp truyền thống của người Miêu. Các dãy nhà sàn nguy nga hùng vĩ, trang phục và trang sức bạc rực rỡ sắc màu, lễ hội Miao Nian (Tết của người Miêu) náo nhiệt tưng bừng, đại lễ tế tổ mười ba năm một lần mang tên “Cổ Tàng Tiết”. Những nghi lễ và tập tục uống rượu phong phú, các điệu hát dân ca và vũ điệu uyển chuyển cùng phong tục giản dị và mộc mạc – tất cả đã biến Tây Giang Miêu Trại thành kho tàng hội tụ tinh hoa văn hóa Miêu.
Huyện Lôi Sơn, nơi Thiên Hộ Miêu Trại tọa lạc, được mệnh danh là “Trung tâm trưng bày văn hóa Miêu của Trung Quốc” và “Thánh địa Miêu Giang”. Nơi đây có tổng cộng 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tất cả đều được thể hiện phong phú và có nền tảng vững chắc tại Tây Giang Miêu Trại.
Các điểm tham quan bạn không thể bỏ lỡ
BẢO TÀNG MIÊU TÂY GIANG
Bảo tàng Văn hóa Miêu Tây Giang nằm trong khu danh thắng Tây Giang Thiên Hộ Miêu Trại. Công trình bao gồm 6 tòa nhà hai tầng riêng biệt, kết hợp thành một quần thể kiến trúc mang đậm phong cách nhà sàn truyền thống của người Miêu, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của dân tộc này.
Bảo tàng có tổng cộng 11 phòng trưng bày, bao gồm: sảnh chính, phòng biểu diễn ca múa, phòng lễ hội, phòng thể thao và y dược Miêu, phòng trang phục và trang sức bạc, phòng sản xuất, phòng lịch sử, phòng kỹ thuật xây dựng, phòng tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa phù thủy, phòng sinh hoạt, cùng với phòng đa phương tiện đa chức năng.
Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ hơn 1.220 hiện vật liên quan đến văn hóa Miêu, cùng hơn 350 bức ảnh, tranh vẽ và sách tư liệu tiêu biểu, cung cấp một cái nhìn toàn diện về sự đa dạng và độc đáo của nền văn hóa Miêu.
CẦU PHONG VŨ
Có tổng cộng 7 cây cầu Phong Vũ ở Thiên Hộ Miêu Trại. Cầu được xây dựng bằng gỗ hoặc đá, có mái che và ghế ngồi để người ta dừng chân khi mưa gió. Vì thế nên được gọi là Cầu Phong Vũ.
HẺM CÁT CA (嘎歌)
Trong tiếng Miêu, “嘎歌” (Gā gē) có nghĩa là con hẻm nhỏ. Trong những con hẻm cổ này, người Miêu sinh sống cùng với các nghề thủ công truyền thống như thêu Miêu, ủ rượu, nhuộm sáp, làm giấy thủ công, bạc Tây Giang, trà Lôi Công Sơn,….
Điểm nhận biết những con hẻm này là những chiếc ô sặc sỡ treo đầy ở lối vào và dọc theo con hẻm. Có khoảng 2 đến 3 hẻm như thế ở Thiên Hộ Miêu Trại.
Ngồi xuống cùng chó mèo và lắng nghe các bô lão người Miêu ca hát cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
CÁC CỬA HÀNG LƯU NIỆM
QUẢNG TRƯỜNG KHÈN LÁ
Đây là nơi người Miêu bản địa thường tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội và biểu diễn khèn lá – một loại nhạc cụ truyền thống của họ.
NGOÀI RA BẠN CÒN CÓ THỂ THUÊ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MIÊU ĐỂ CHỤP ẢNH VÀ THƯỞNG THỨC CÁC MÓN ĂN ĐỊA PHƯƠNG.
💡Bạn có thể xem thêm thông tin tour Quý Châu – Thiên Hộ Miêu Trại của Camellia Tours tại đây
CHÚC QUÝ KHÁCH CHUYẾN ĐI VUI VẺ!
Liên Hệ Camellia Tours Ngay Hôm Nay!